Vì ai… con không dám?
Vì ai… con không dám?
Mọi thứ tình yêu tồn tại trên thế gian này đều không thể quy đổi ra vật chất (Ảnh minh họa)
Con không đủ tự tin mặc áo tắm đứng trước biển, không thể mặc áo dài trong ngày khai giảng, không dám đi thử giày với các bạn, không dám cho bạn trai đèo, một cái cầm tay của các bạn trai con cũng không dám mơ…
Thậm chí đến chiếc váy màu hồng nhạt bố mua tặng con rất thích được mặc trong ngày sinh nhật lần thứ 15 nhưng không thể… vì ai?
Vì ai? Câu hỏi ấy nhạt nhòa lẫn trong tiếng gào thét của đứa con gái “bé bỏng” như ngàn mũi kim nhọn châm vào tim người mẹ. “Vì mọi người quá yêu con ư?” – một lời giải thích nghe sao đậm tình người vậy mà bỗng chốc lại trở thành oan nghiệt. Gần 30 tuổi, Nhàn mới kết hôn, hai vợ chồng lại bằng tuổi nên không có ý định kế hoạch. Khổ nỗi con cái là duyên trời cho đâu phải muốn lúc nào được lúc ấy. Anh chị cố gắng ăn uống, sinh hoạt điều độ lại được mẹ chồng sắc thuốc bổ cho uống thường xuyên. Càng được chồng và mẹ chồng chăm chút bao nhiêu, chị lại càng thấy căng thẳng bấy nhiêu. Sức ép ấy cuối cùng cũng đã được giải tỏa sau gần 4 năm kiên trì bền bỉ. Biết chị có thai, mẹ chồng cuống cuồng dọn dẹp phòng ngủ thật thoáng đãng cho khỏi thiếu không khí, cho hết bụi bẩn từ những con vật cưng của bà nuôi để tránh cho cháu khỏi ho. Bà cấm con dâu đụng đến bất kỳ việc gì lớn nhỏ trong nhà. Từ việc cầm cây chổi lau nhà đến xách cái nồi cơm điện ra bàn ăn… bà đều giành làm tất để con dâu nghỉ ngơi. Bà bảo: “Người còn quý hơn vàng, nhất là nhà mình hiếm người. Mỗi đời chỉ sinh được một đứa, mãi đến đời mẹ, có lẽ là do tốt giống nên mới sinh được 3 đứa. Đến khi sinh cô út không những mẹ bị cắt hết thi đua và phần thưởng mà còn phải nộp phạt vì sinh con thứ ba. Phạt thế chứ phạt nữa mẹ vẫn đẻ, chỉ mỗi tội trứng ung hết rồi thì đành chịu”. Nghe bà cười giòn tan mà Nhàn cũng thấy vui lây, được sống trong gia đình chồng quý người hơn quý của cũng là cái phúc chị tu từ mấy kiếp trước.
Hàng ngày, bà đi chợ mua về 1kg xương lợn, ninh lấy nước trong rồi đem nấu một tô cháo. Vài tuần đầu chị ăn rất ngon miệng nhưng lâu dần thấy ngán vì cứ phải ăn mãi một món. Thấy con dâu ăn có vẻ uể oải không muốn nuốt, bà ân cần: “Con cố mà ăn cho mẹ khỏe, con khỏe, sau này nuôi con cũng nhàn mà mẹ cũng không lo bị hậu sản”. Ngoài tô cháo là khẩu phần được ấn định mỗi sáng, mẹ chồng còn mua cho cô rất nhiều món bổ dưỡng để ăn những bữa lỡ giữa buổi như: Trứng vịt lộn, bánh giò… hoặc rủ con ra hàng ăn bún, phở… Trong tủ lạnh lúc nào cũng được bà để kín các loại hoa quả, mía, nước dừa và chục quả trứng ngỗng bà gửi mua tận dưới quê mang lên. Nhàn lấy cớ mang cháo vào phòng ăn từ từ nhưng thực ra chị bắt chồng lén giấu mẹ ăn gần hết. Kết quả, Linh Nhi cất tiếng khóc chào đời đã nặng tới 4,85kg. Một bé gái bụ bẫm thật đáng yêu là niềm mong mỏi nên ai cũng háo hức đón chờ. Chị đã tẩm bổ rất nhiều mà sữa cho con bú thì không đáng bao nhiêu, nhưng vì con mà chị không ngại thân hình ngày càng “phát tướng” của mình. Không có sữa mẹ thì dĩ nhiên phải dùng sữa ngoài, thế là các hãng sữa “xịn nhất”, “đắt nhất” là lựa chọn hàng đầu cho bé yêu.
Chăm cây tốt thì gặt hái được quả ngon. Linh Nhi hợp với sữa ngoài nên ngay tháng đầu tiên đã lớn thêm 1,5kg và những tháng tiếp theo cũng tăng không kém. Nhàn bắt đầu thấy lo khi cân nặng của con tăng quá nhanh và đang ở mức thừa cân nghiêm trọng. Bác sĩ nhắc nhở: “Chăm con là cần thiết nhưng để tăng cân quá mức lại không tốt. Có thể trẻ sẽ bị suy dinh dưỡng ở thể béo phì, có thể gây nên một số bệnh…”. Chị nhắc khéo mẹ chồng về ciệc cho cháu ăn nhưng bị bà gạt phát đi: “Vớ vẩn, phủi phui cái mồm bác sĩ nào vô lương tâm. Chẳng lẽ tôi lại cấm không cho cháu tôi ăn. Chị học cao, hiểu rộng đâu tôi không biết nhưng cái lý đơn giản là con khóc mẹ cho bú thì chị phải hiểu, cháu tôi có đói thì nó mới đòi ăn lẽ nào tôi lại cấm”. Mới chưa đầy 6 tháng mà mỗi ngày 4 bình sữa (240ml/bình) và 3 tô đầy bột được nhồi vào bụng con bé không khác nào nhồi vịt. Chẳng trách bé phát triển chiều ngang nhanh đến chóng mặt, bụng thì lúc nào cũng căng tròn như cái trống đến nỗi không thể vận động. Bà xót cháu, sợ bẩn nên lúc nào bé con cũng nằm ềnh ễnh trên tay không đặt chân xuống đất. Nhàn đấu tranh mãi không thắng nổi mẹ chồng nên đành tặc lưỡi cho qua. Đến 3 tuổi bắt đầu vào mẫu giáo, Linh Nhi đã xấp xỉ 30kg. Chị Nhàn sợ quá nên đưa con đi khám bác sĩ dinh dưỡng và xin chế độ ăn kiêng nhưng ngay lập tức, chị gặp phải thái độ phản đối gay gắt của mẹ chồng. Bà lớn tiếng: “Cho cháu tôi ăn mà chị cũng tiếc. Được rồi, cháu tôi chị để tôi nuôi”. Con bé đến lớp là ngồi một ghế ở góc lớp vì bị các bạn chê “Linh Nhi béo phì”, bé sống ngày càng thu mình lại trong cái vỏ ốc của sự tự kỉ.
Cô bé sống ngày càng thu mình lại trong cái vỏ ốc của sự tự kỉ (Ảnh minh họa)
Bước vào lớp 1, con bé đã có trọng lượng lên tới 39kg nhưng Nhi chưa ý thức được cái vẻ ngoài duyên dáng của một bạn gái trong các bộ váy áo sặc sỡ đủ màu, đủ mốt. Đối với Nhi, không được ăn mới khổ chứ không có quần áo đẹp cũng chẳng sao. Vừa trống tan trường là con bé chạy ngay ra bà nhõng nhẽo: “Kem với váng sữa của con đâu… Hôm nay bà bảo mang xúc xích với pho mát cho con mà…?”. Không chịu nổi cách chiều cháu của mẹ chồng, chị Nhàn đã có lần làm căng: “Bà chiều cháu như thế không phải là thương cháu mà đang hại cháu đấy. Rồi mai kia nó không lấy được chồng thì bà có sống cả đời mà nuôi nó được không”. Bà quát ầm lên: “Tôi thương cho cháu tôi thế nào không đến lượt chị phải dạy. Béo phì thì có gì là xấu. Tiền tôi để cho nó ăn cả đời không hết thì sợ gì không có người lấy. Thời buổi này có tiền thì cóc ghẻ cũng hóa thành thiên nga, chị hiểu không?”. Con bé nghe không hiểu những điều người lớn nói với nhau, nó chỉ biết đòi hỏi: “Con ăn váng sữa, con ăn beefsteak, ăn gà KFC, ăn bánh mì tam giác, ăn bơ Pháp… con không thích ăn rau”. Hoa quả thì con bé chỉ ăn một loại duy nhất là nho Mỹ đã được bà nội tách vỏ bỏ hạt để sẵn trong tủ lạnh và kem là món khoái khẩu không bao giờ hết. Mãi đến khi vào lớp 6, Linh Nhi thấy các bạn trong lớp “má phấn môi son”, váy áo đủ mốt mỗi khi có dịp sinh nhật bạn nào đó thì nó mới bắt đầu thấy chạnh lòng. Con bé đã biết đứng trước gương, quay qua quay lại và bắt đầu cảm thấy xấu hổ. Giờ có xấu hổ cũng không ngăn kịp con số 62kg cho một thân hình tập làm thiếu nữ. Chị Nhàn thấy con có ý thức về vóc dáng nên đã đề ra kế hoạch tập luyện cho cả hai mẹ con. Sáng ra, Linh Nhi nhảy dây 200 lần, đi bộ nửa tiếng vòng quanh bờ hồ hoặc đạp xe 30 phút. Nhưng chỉ được vài hôm, Nhi thấy toàn thân mỏi rã rời mà nhu cầu ăn lại tăng lên vì phải vận động mạnh. Để giảm từ 4 bát cơm mỗi bữa xuống 3 bát, chị Nhàn phải ép nước bí xanh cho con uống trước bữa ăn nhưng cũng chỉ được mấy ngày rồi đâu lại vào đấy. Kết quả cuối cùng vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh. Mặc quần áo may và đi giày ngoại cỡ đó là những gì Linh Nhi có thể lựa chọn. Đến hôm sinh nhật lần thứ 15 của mình thì con bé thực sự nhận ra hình ảnh của mình trong ánh mắt chế giễu của các bạn.
Cả đêm đó và ngày hôm sau nó nằm lì trong phòng mà khóc không nghe ai khuyên nhủ, kể cả bà nội là người yêu nó nhất. Không chịu nổi sự ngột ngạt đến nghẹt thở ấy, Nhi gào lên trong ấm ức: “Con muốn được đi giày cao gót và mặc váy ngắn giống các bạn, con muốn mặc đồng phục áo dài tới trường, con muốn đi dạo phố mà không bị ai nhìn bằng ánh mắt dò xét… con không muốn được bà yêu như thế nữa”. Thương con mà chị không biết phải làm sao. Mọi thứ tình yêu tồn tại trên thế gian này đều không thể quy đổi ra vật chất.
Theo HPGĐ
No comments:
Post a Comment